Trong đời học sinh của mình, bạn đã bao giờ lần lượt trải qua từng cung bậc cảm xúc từ tò mò, lo sợ, bị cuốn hút đến hạnh phúc và cảm động vì bài học của một người thầy, người cô nào chưa? Thật may mắn, tôi thì có rồi đấy! Năm nay, tôi đã khép lại bốn năm mài rách quần trên giảng đường đại học bằng những giờ học thật sinh động và ý nghĩa của cô Trang Trần, cô giáo dạy chúng tôi môn “Phương pháp giáo dục tiếng Anh tiểu học”.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về cô là hình ảnh một cô giáo với những trang phục rất đẹp, hiện đại, nhưng cũng rất nền nã. Trong mắt tôi, cô thật sự có một gu thẩm mĩ đẹp và điều đó khiến cô như trở nên cuốn hút hơn trong các bài giảng trên lớp. Thường thì cô hay buông xõa mái tóc xoăn dài qua vai của mình. Nhưng tôi thì lại thích nhìn cô khi cô buộc mái tóc xoăn nhẹ đó lên vì lúc đó trông cô trẻ hơn và đáng yêu y như búp bê vậy.
Dù là một người với ngoại hình mang đầy tính hiện đại, cô Trang Trần cũng có rất nhiều nét giống với những người thầy, người cô truyền thống mà tôi từng học, ví dụ như sự đề cao kỉ luật của học sinh trong giờ học của cô. Bên cạnh đó, cô là một cô giáo rất nghiêm túc trong công việc giảng dạy. Chúng tôi luôn đánh giá cao sự chuẩn bị bài giảng kĩ càng của cô vì mỗi tiết học cô dạy, là một sự sáng tạo và đổi mới liên tục. Đối với phần lí thuyết, cô thường yêu cầu chúng tôi về nhà đọc trước tài liệu và cố gắng tóm tắt lại nội dung các phần chính cũng như tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi của phần “Reflection” trong sách giáo khoa. Trước khi bắt đầu giảng dạy mỗi bài lí thuyết về các phương pháp dạy học cho học sinh ở lứa tuổi tiểu học, cô thường phát cho chúng tôi những bài tập dạng “True-False” hoặc “Fill in the blanks with appropriate expressions” và yêu cầu chúng tôi làm việc theo nhóm để thảo luận tìm ra những câu trả lời đúng. Bằng cách này, chúng tôi đã có thể rèn luyện khả năng đọc, ghi chú và hồi tưởng những kiến thức chúng tôi đã đọc để tiếp thu bài học tốt hơn, nhanh hơn. Tôi vốn là người ghét lí thuyết vì với tôi những mảng kiến thức trong sách vở thật là khô khan và khó nhớ, thế mà nhờ có cách làm của cô Trang Trần như trên, tôi cảm thấy bớt sợ những bài học lí thuyết hẳn và lại hiểu bài nhanh hơn và nhớ bài lâu hơn nữa. Ngoài việc phát những dạng bài tập như trên, cô cũng hay cho chúng tôi nhập vai thành học sinh tiểu học bằng cách chia lớp thành các nhóm khác nhau, đặt ra một chủ đề chung và sau đó phát cho mỗi nhóm một tờ poster và cho các nhóm thời gian để thỏa sức trình bày ý tưởng của nhóm bằng cách vẽ hình minh họa, thêm phụ đề. Sau đó, các nhóm mang các poster dán lên bảng và đại diện các nhóm trình bày về ý tưởng của nhóm mình. Thông qua cách này, chúng tôi đã có thể cùng nhau trao đổi bài học và học hỏi những điểm hay của nhau một cách chủ đông và tích cực.
“Phương pháp giáo dục Tiếng Anh tiểu học” là một môn học được thiết kế không chỉ để giúp sinh viên định hình và hiểu được tâm lí của trẻ em khi học tiếng Anh, mà còn gợi ra cho sinh viên những kiến thức chuyên môn về phương pháp dạy tiếng Anh ở từng kĩ năng nghe, nói, đọc, viết thông qua các hình thức hội thoại, kể truyện, hát, nhảy, vẽ tranh,… sao cho phù hợp, logic với những kết quả nghiên cứu của các học giả đã biên soạn nên chương trình dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học. Trước khi học môn học đầy thú vị này, tôi đã từng nghĩ rất đơn giản và vô trách nhiệm rằng: dạy sao mà chẳng được, miễn sao trẻ hiểu bài là được. Nhưng khi được học môn này dưới sự dẫn dắt của cô Trang Trần, thế giới quan của tôi về phương pháp giảng dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học đã thay đổi đáng kể. Cô Trang Trần đã dần dần giúp chúng tôi thẩm thấu những lí thuyết chúng tôi được học và hướng dẫn chúng tôi áp dụng lí thuyết vào bài giảng thực tế một cách triệt để nhưng cũng đầy sáng tạo để tạo ra những bài giảng hay và hiệu quả cho học sinh tiểu học. Để làm được điều này, trước mỗi bài học dạy từng kĩ năng, cô luôn phát cho học sinh hai loại tài liệu. Loại tài liệu thứ nhất tổng hợp lại các bước dạy chúng tôi cần thực hiện trong giáo án và khi giảng dạy thực tế. Loại tài liệu thứ hai là một phiếu đánh giá từng bước dạy của giáo viên để xem xét về mức độ áp dụng lí thuyết và sự hiệu quả mà bài học của giáo viên đã mang lại cho sinh viên. Thường thì cô sẽ không giảng phần lí thuyết ở tài liệu thứ nhất trước, mà cô sẽ trực tiếp đóng vai là một giáo viên tiểu học giảng các kĩ năng ngôn ngữ cho học sinh tiểu học. Trong quá trình cô giảng mẫu, chúng tôi cần chăm chú theo dõi và đóng góp vào bài giảng, sau đó đánh giá xem cô đã thực hiện những lí thuyết cô tổng hợp như thế nào và đạt hiệu quả như thế nào. Phần làm mẫu của cô cũng gần như là gợi ý cho những bài giảng thực tế của chúng tôi trong phần thực hành. Cô chỉ giảng mẫu một số kĩ năng thôi, còn lại thì cô hướng dẫn chúng tôi tìm hiểu các phương pháp dạy và trao quyền cho chúng tôi tự xử lí bài giảng của mình. Sau đó khi chúng tôi giảng xong, cô luôn đưa ra những góp ý rất thẳng thắn và những lời khuyên bổ ích để chúng tôi biết cách sửa giáo án cho đúng và giàng dạy thật hiệu quả.
Có lẽ về phần chuyên môn, tôi chỉ nói như thế thôi vì tôi không biết nói làm sao cho đủ về phương pháp dạy học thú vị và đổi mới của cô. Tôi xin chuyển sang một phần khác, phần khiến tôi cực kì khâm phục ở cô đó là cách cô dạy chúng tôi làm người và cách trở thành những nhà giáo giỏi, tâm huyết và có trách nhiệm với nghề dạy trong tương lai. Dù cô rất nghiêm túc, nhưng chúng tôi không hề cảm thấy giữa chúng tôi và cô có một khoảng cách lớn, vì cô luôn tạo điều kiện cho sinh viên phát biểu ý kiến cá nhân và để chúng tôi tự do sáng tạo những bài giảng của mình. Cô không bắt hay ép buộc chúng tôi phải làm như thế này hay như thế kia, mà cô gợi ý cho chúng tôi cách làm hay hơn, tốt hơn. Cô vần hay bảo:
-“Đó chỉ là ý kiến của cô thôi! Và ý kiến của cô thì chưa chắc đã hay nhất! Còn nếu các em có ý kiến khác hay hơn thì cứ mạnh dạn trình bày nhé!”
Nhờ thế, dù rất sợ cô vì cô nghiêm túc, nhưng tôi cũng hay mạnh dạn phát biểu và trả lời các câu hỏi mà tôi biết. Nhưng không chỉ thu hẹp khoảng cách giữa người dạy và người học như vậy, cô còn là một người tạo ra sự kết nối giữa tất cả các học sinh trong lớp học. Cô luôn cho chúng tôi làm việc nhóm để chúng tôi có thể hòa đồng với nhau và san sẻ nhiệm vụ học tập để bớt áp lực. Trong những bài giảng của cô trên lớp, cô dạy như một giáo viên tiểu học thực thụ. Cô hát, cô nhảy, cô dùng ngôn ngữ cơ thể mô tả từng từ vựng, từng câu nói và cô gọi cả lớp đứng dậy làm theo những động tác của cô, hát cùng cô và tham gia bài giảng như chúng tôi là những học sinh tiểu học. Đôi lúc, cô phát cho mỗi học sinh một bức hình ngộ nghĩnh với những cái tên động vật đáng yêu và yêu cầu những bạn có những hình giống nhau thì về chỗ ngồi cùng nhau. Bởi thế, sau một học kì, dường như tôi được làm việc nhóm với hầu hết các bạn trong lớp. Sự xa lạ giữa tôi - một cô sinh viên cử nhân với các bạn toàn là sinh viên sư phạm dường như cũng dần biến mất. Cô đã kết nối chúng tôi lại, cho chúng tôi cùng nhau hỗ trợ các bài giảng của nhau bằng cách ủng hộ các hoạt động mà các bạn đang phụ trách. Chúng tôi cùng hát, cùng nhảy và cùng học cách trở thành những giáo viên tiếng Anh tiểu học thực thụ. Bên cạnh đó, cô cũng dạy chúng tôi cách thiết kế và chuẩn bị bài giảng sao cho hợp lí và tiết kiệm. Về những bài giảng của chúng tôi, bên cạnh những nhận xét về chuyên môn, cô cũng đánh giá từng cử chỉ, điệu bộ, thần thái, lời nói để giúp chúng tôi nhìn nhận lại bản thân và sửa đổi những điểm chưa tốt để trở thành một giáo viên tốt hơn trong tương lai. Có những bạn lên thực hành giảng bài, nhưng cả tiết dạy lại không hề cười và cô bảo: “Keep a smiling face” (hãy luôn mỉm cười). Còn tôi, tôi vốn là một đứa hay gắt gỏng và có tính hơi thô bạo. Khi thực hành giảng, tôi đã không hề giữ thái độ nhẹ nhàng, nền nã mà lại nói những câu nhát gừng với ngữ điệu cộc lốc và cô đã khuyên tôi nên sửa những câu nói như vậy và nên nói từ tốn, dịu dàng hơn vì lứa tuổi học sinh chúng tôi dạy là học sinh tiểu học. Và lúc nào cô cũng đặt ra những tiêu chí chung để đánh giá xem những bài giảng của chúng tôi đã hiệu quả chưa, học sinh đã được tham gia vào bài giảng một cách chủ động chưa và giảng như vậy thì có khoa học không, có giúp học sinh hiểu bài không?
Buổi học đáng nhớ nhất của tôi về cô có lẽ là buổi học có hai nhà nghiên cứu ở trường Đại Học Ngoại Ngữ Hà Nội bất ngờ về lớp tôi dự giờ hai tiết dạy của cô. Hôm đó, cả lớp tôi đã cháy hết mình trong giờ học với cô và hôm ấy tôi đã thấy hai nhà nghiên cứu cũng cực kì bị cuốn hút bởi bài giảng của cô và tỏ ra rất hào hứng. Và hôm đó, không phải tôi có nhìn sai hay không, nhưng tôi thấy khóe mắt cô dường như cay cay dù cô không để lộ ra. Hoặc có thể cô đã không như thế, nhưng trong lòng tôi lại vô cùng nghẹn ngào vì xúc động bởi bài giảng kể một câu chuyện tiếng Anh của cô. Tôi đã hoàn toàn bị cô mê hoặc và thuyết phục bởi không chỉ bài học hôm đó mà cả những giờ dạy khác. Tôi cảm tưởng như cô là một thỏi nam châm luôn hút sinh viên dính chặt vào những bài giảng của mình.
Giờ phút này, khi đang ngồi gõ gõ những dòng chữ về cô, tôi cảm thấy trong lòng tôi có những cung bậc cảm xúc thật khó tả. Tôi không biết tôi có quí cô không, nhưng có lẽ tôi sợ cô vì cô nghiêm túc hơn là tôi quí cô. Nhưng mà tôi biết chắc chắn rằng tôi hâm mộ phong thái và cách giảng dạy và rèn rũa những nhà giáo tương lai của cô. Cách giảng dạy tỉ mỉ với sự chuẩn bị bài giảng kĩ càng và đầy thuyết phục, thú vị kết hợp với sự tạo điều kiện cho sinh viên phát triển chuyên môn và năng khiếu của cô đã khiến tôi có khát khao và có trách nhiệm hơn với nghề giáo rất nhiều. Trước, tôi vẫn hay đi dạy gia sư một cách bản năng, nhưng giờ đây, sau khi học cô, tôi chịu khó tìm tài liệu giảng dạy, và luôn cố tạo ra sự mới mẻ cho từng bài học tôi mang đến cho học sinh của tôi như cô đã luôn mang đến cho chúng tôi.
Và được là học sinh của cô, tôi cũng ngẫm ra một điều rằng:
-Không có những nhà giáo giỏi, thì sẽ không có những học trò giỏi. Và không có những người truyền nghề giỏi, thì cũng sẽ không người tiếp nối và phát triền nghề nghiệp”.
Tôi thiết nghĩ, với những giáo viên xuất sắc như cô, thì thế hệ sinh viên chúng tôi khi ra trường sẽ không lo sợ thất nghiệp hoặc không chống trọi được với những khó khăn của nghề nữa vì cô đã dạy cho chúng tôi những kiến thức chuyên môn cần thiết, những phương pháp thực hành hiệu quả, và cái tâm trong sáng, nhiệt huyết với nghề.
Hình ảnh của cô chính là động lực cho sự phấn đấu trong nghề nghiệp tương lai của tôi ngay từ bây giờ!
Sunflower!
23-11-2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét